Hành hương Medjugorje

June 04, 2011 Chuyen mục : Sinh hoạt giáo xứ

Medjugorje nổi tiếng nhờ vào linh địa, nơi Mẹ Maria hiện ra lần đầu tiên vào năm 1981 liên tục cho đến nay, nơi mà nhiều người được ơn chữa lành, cho dù chưa được tòa thánh công nhận nhưng lượng khách viếng thăm ngày càng đông.

Chiếc xe Bus khởi hành từ Neuenkirchen mang theo 28 khách hành hương ghé đón chúng tôi 20 người tại München, một hành trình dài 1.700 cây số về hướng đông nam Âu châu, băng ngang Áo, Slowenien, Kroatien đến Bosnien Herzegowina.

Trên quãng đường dài trạm dừng đầu tiên nghỉ đêm tại Bled, một thị trấn nhỏ thuộc Slowenien cạnh hồ Vedes rất thơ mộng, là điểm đến cho những ai thích du ngoạn dạo chơi bờ hồ, ngắm cảnh thiên nhiên, ngụp lặn trong dòng nước ngọt tan từ những tảng băng tuyết trên núi. Rất tiếc chúng tôi phải rời thị trấn vào sáng sớm và bắt đầu thánh lễ tại thánh đường St.Veit, nơi Đức giáo hoàng  Johannes Paul II đã có lần dừng chân. Chụp vài tấm hình lưu niệm và rời thị trấn.

Trên đường đi mọi người có dịp làm quen tâm sự,  lần lượt giới thiệu về mình, về những ước mơ nơi linh địa. Trong đoàn đại đa số ở lứa tuổi trên dưới 50 nhưng cũng có bác đã ngoài 80, sau vài lần trò chuyện mọi người trở nên thân thiện. Sinh hoạt văn nghệ trên đường đi rất vui nhộn, ca hát, kể chuyện, thỉnh thoảng lại vang vọng cuối xe những trận cười nắc nẻ.

Cảnh thiên nhiên hai bên đường rất đẹp, một vẻ đẹp hoang sơ của vùng núi đồi. Xe lăn trên con đường dốc nhỏ bám vào sườn núi, có những nơi du khách có cảm giác bấp bênh, chênh vênh, như cả xe sắp rơi xuống vực thẳm. Qua vài lần xuất trình giấy tờ chúng tôi đặt chân đến điểm hẹn khi mặt trời vừa khuất bóng.

Medjugorje, một vùng núi đồi đầy sỏi đá, một làng quê bé nhỏ, thủa xưa cư dân rất nghèo, sống chủ yếu vào nghề trồng nho và thuốc lá, có những năm mất mùa dân chúng phải kéo nhau lên tỉnh kiếm sống.Trên đường đi thỉnh thoảng bắt gặp một vài căn nhà cổ, tường và mái đều xây bằng đá, một loại đá được lấy từ núi hay đào xới từ dưới những cánh đồng nho.

Ngày đầu tiên chúng tôi gặp cô Vicka, người được Đức Mẹ hiện ra, có khả năng chịu đựng cơn đau đớn dùm người khác. Chị đã loan báo những thông điệp của Mẹ. Để có thể nhìn thấy chị chúng tôi đến thật sớm vì số người đến nghe và muốn nhìn tận mắt rất đông, phải nhón gót thật cao thì mới có thể chụp vài tấm ảnh, mọi người đứng tràn ngập cả trên đường cũng như những dãy nhà đối diện.

Chúng tôi leo núi Podrodo, ngày nay được gọi là núi Đức Mẹ hiện ra, nơi đó cô Marija Pavlovic đã thị kiến Mẹ với thông điệp cầu nguyện cho hoà bình, ngày ấy mọi người đều hững hờ, quả vậy 10 năm sau chiến tranh bùng nổ. Muốn leo được lên tới đỉnh núi khách hành hương phải cố gắng gập người đặt từng bước chân nặng nề lên thành đá, đá chen lẫn cây xanh cỏ dại, đá ngổn ngang, đá nằm dọc như những mũi dao chĩa thẳng, cạnh sắc bén nên rất cẩn thận. Dọc theo sườn núi những bức tượng đồng đen đánh dấu đường đi, do Carmelo Puzzolo người Ý thực hiện vào năm 2002, cũng để mọi người vừa leo núi vừa lần hạt. Trên đỉnh một tượng thánh giá gỗ được dựng lên, chính vị trí này Mẹ đã hiện ra, cách không xa là tượng Nữ vương hoà bình cẩm thạch màu trắng do Dino Felici tạc, tưởng niệm 20 năm ngày Mẹ đến nơi này. Chung quanh đây luôn đông người cầu nguyện, không khí trầm lặng nghiêm trang, có người ôm chân thánh giá khóc nức nở, làm khách hành hương cũng phải mủi lòng. Nhặt vài mảnh đá kỷ niệm chúng tôi rời núi, dưới chân núi là Thánh giá xanh, nơi đây cũng đông người cầu nguyện, trở về nhà trọ tất cả đều rã rời tay chân sau một ngày hành hương.

Để dưỡng sức cho đợt leo núi tới chúng tôi dành một ngày tham quan thành phố cổ, Mostar thành phố lớn nhất Bosnien nằm về phía đông bắc và cũng là địa phận, cách Medjugorje khoảng 25km, phải băng qua vài ngọn núi. Thành phố nổi tiếng nhờ vào chiếc cầu đá Stari Most bắc ngang dòng sông Neretva  xanh biếc, nơi phân chia Mostar thành 2 vùng riêng biệt, Thiên chúa và Hồi giáo, chiếc cầu trong thời nội chiến bị tàn phá nặng nề nhưng nhờ tài trợ của UNESCO đã được trùng tu trở lại, là biểu tượng cho sự hoà giải giữa các chủng tộc sinh sống nơi này. Trước khi đặt chân lên cầu ta thấy nhiều ngôi nhà loang lổ đầy những vết đạn, phế tích của một cuộc nội chiến. Băng qua cầu lọt vào thành phố cổ ta có cảm giác như lọt vào một thế giới thần thoại, thế giới của phim trường. Vào những ngày đẹp trời du khách phải chen chân, vì khắp mọi nẻo đường đều tấp nập người qua lại. Dạo một vòng thành phố chúng tôi trở về nhà trọ.

Tiếng gà gáy sáng báo hiệu một ngày mới bắt đầu, ánh hồng ló dần ở cuối núi, mọi người điểm tâm và chuẩn bị ba-lô với những thứ cần thiết cho một chuyến leo núi đầy cam go, một thách thức lớn đối với đoàn hành hương. Núi Thánh giá, Krizevac nằm ở độ cao 520m, bên trên có  dựng một Thánh giá trắng, cao 8,52m bên trong có di tích thánh được xây vào năm 1933, kỷ niệm 1900 năm Chúa chịu chết, từ đó cứ mỗi chúa nhật đầu tiên sau ngày sinh nhật mẹ Maria tất cả cư dân đều tụ họp nơi này để dâng thánh lễ, chính nơi đây Mẹ đã hiện ra lần đầu với 6 trẻ nhỏ.

Xe Bus mang chúng tôi đến tận chân núi, kẻ chống gậy, người xốc nách cùng nhau bước tiến về phía sườn đồi. Đường đi lần này rộng hơn nhưng nhiều gian nan, hiểm trở, bờ dốc cao, người hướng dẫn khuyên không nên rời đường chính vì nguy hiểm, cạnh đá không người leo  còn sắc bén, dây gai giăng đầy có thể vấp ngã. Hai bên đường đi vẫn là những tượng đồng bên cạnh có Thánh giá gỗ, 15 chặng thương khó. Đến mỗi chặng để ý, nhiều lời cầu xin, khấn nguyện được ghi trên đá hoặc chép lên giấy, thậm chí cả hình ảnh, kỷ vật được nhét trong khe đá hoặc dưới tượng Chúa. Lên đến chặng thứ 9 mọi người thấm mệt, mồ hôi nhễ nhãi bắt đầu thấm ướt áo quần, những chai nước, kẹo ngọt được mang ra sử dụng. Đến trạm gần cuối khách hành hương có thể nhận ra nơi đây có một tảng đá rất to, trạm đồng, khắc hình cha Slavko, nơi ngài tắt thở trong khi đi chặng đường thương khó, là người thành lập ra viện mồ côi nơi này, linh hướng cho những trẻ nghiện ngập bụi đời.

Lên tới đỉnh tất cả đều  chạm tay vào Thánh giá, như chạm vào một thứ hạnh phúc linh thiêng không gì  diễn tả nổi, có người đã bật khóc thành tiếng, nhất là những bác lớn tuổi, bước những bước khập khiễng, những chị đi đứng khó khăn phải cần người dìu kẻ dắt cũng kiêu hãnh tự hào được đặt chân đến chốn này. Cha Hạnh, người hướng dẫn đoàn hành hương nhiều kiên nhẫn, ban phép lành cho mọi người. Sau đó chúng tôi chọn nơi bóng mát để nghỉ ngơi, chia sẻ nhau từng miếng bánh, ngụm nước.

Ở vị trí này hướng tầm nhìn ra xa, Medjugorie hiện ra dưới những mái nhà ngói đỏ, ánh nắng trải xuống sườn đồi dốc núi, óng lên một màu xám bạc chen lẫn màu xanh của lá rừng, thỉnh thoảng ẩn hiện rực rỡ màu của bông hoa cỏ dại, xa xa những cánh đồng nho xanh ngát.

Chúng tôi rời núi về nhà trọ dùng bữa trưa và ghé thăm Cenacolo, trung tâm hoán cải những trẻ cai nghiện, bụi đời, do Sr.Elvira thành lập vào năm 1983. Điểm khởi đầu cho các Cenacolo trên thế giới, nơi này chủ yếu cầu nguyện, làm việc và từ bỏ những ràng buộc vật chất, những thanh niên sau khi bước vào đây như bắt đầu một cuộc sống mới, luôn lạc quan yêu đời. Mọi người chúng tôi cảm phục và quý mến những gương sống hoán cải của họ.

Sau đó chúng tôi trở về nhà thờ St. Jakokus, ngôi thánh đường nguy nga được hình thành năm 1897, vì nền móng không vững chắc nên xây lại sau thế chiến thứ nhất, từ 1934 đến 1969. Nhà thờ quá lớn so với số giáo dân thủa ấy, nhưng quá nhỏ so với hiện nay, trải qua 3 lần dội bom đánh xập trong chiến tranh, St. Jakobus không một chút lay chuyển có lẽ nhờ sự chở che của Mẹ. Đây là trung tâm điểm của Medjugorje, luôn đông đúc người cầu nguyện, lần hạt. Trước thánh đường là tượng Nữ vương hoà bình, có giếng nước bên cạnh, khách hành hương thường đến uống hoặc lấy mang về. Khu giải tội phía trái, còn bên phải có tượng Chúa chịu nạn, sau lưng  thánh đường là khu lễ ngoài trời có khoảng 5.000 chỗ ngồi, nơi chúng tôi tham dự thánh lễ chiều mỗi ngày. Cứ đúng 18g40 một hồi chuông vang lên cùng với tiếng nhạc đệm, trong giây phút thiêng liêng này tất cả lời kinh đều ngừng bặt, giờ Mẹ đến với các thị nhân. Sau thánh lễ các bệnh nhân được ban phép chữa lành, những ảnh tượng được làm phép. Xa phía sau là 5 sự sáng, phía cuối có tượng Chúa phục sinh bằng đồng đen, nơi đây nhiều người đứng xếp hàng có thể cả tiếng đồng hồ để được thấm vào khăn những giọt nước trong suốt chảy từ gối phải Chúa Jesus, hiện tượng này được phát hiện trong những năm gần đây, có anh trong đoàn chấm giọt nước vào tai, lập tức chứng ù tai lâu ngày biến mất. Quanh đây là 15 đàng thánh giá, dành cho những ai không thể leo núi.

Ngày cuối cùng, ngày dành cho  những dự định riêng tư, nhưng tất cả đều bắt đầu bằng một thánh lễ tại nhà nguyện, có lẽ lần đầu tiên chiếc áo dài Việt nam thướt tha trong khuôn viên thánh đường, nên đã thu hút sự chú ý không ít người, có anh tây mải ngắm nhìn, chút nữa va vào gốc cột, kẻ thì xin chụp cho bằng được tấm ảnh, người thì trầm trồ khen ngợi. Chúng tôi chọn những giờ còn lại để tham quan thắng cảnh và tìm hiểu lối sống của dân địa phương, một số chị thích mua sắm, các bác thích cầu nguyện, leo núi lần hạt…

Kravice cách khoảng 15km, thác nước nổi tiếng và lớn nhất Herzegowina, nơi thu hút nhiều du khách, với bề rộng 120m, đổ từ độ cao 25m, bên dưới là hồ nước trong xanh biếc, chung quanh cây cỏ mọc xanh mướt, một bãi nhỏ cát ngà trắng mịn, nơi đây du khách có thể dạo chơi ngắm cảnh, hoặc ngâm mình trong dòng nước mát lạnh vào những ngày hè oi bức, hay đặt một ly cà-phê và ngồi hàng giờ bên dòng suối róc rách chảy, một phong cảnh hữu tình, nên thơ, thơ mộng đến nỗi một anh trong đoàn đã phải thốt lên: „ đã nhìn thấy rồi có thể đặt bút là viết thành bài thơ “. Chúng tôi ngồi hóng gió, trò chuyện và thả hồn theo mây nước. Khi ánh chiều ngả bóng tất cả trở về để chuẩn bị cho một chương trình mới.

Chương trình văn nghệ „Tạm biệt Medjugorie“, sau bữa chiều tất cả ghế được xếp thành vòng tròn, bắt đầu bằng những lời cám ơn chủ nhà, tiếp đến những nhóm đã được phân chia cùng nhau hợp ca, đơn ca, sau cùng là những vở kịch, tuy nhuốm màu kinh thánh nhưng rất vui nhộn. Nhóm Fatima với cuộc tử nạn  Chúa, đặc sắc với tài thủ diễn dí dỏm của bác Căn. Vở kịch Chúa chiên lành của nhóm Lộ Đức, có chú sói Phẩm hiền lành không vồ được chiên mà còn bị ăn gậy!. Tiệc cưới Cana do nhóm München phụ trách với đầy đủ trang phục gây nhiều ấn tượng. Những diễn viên bất đắc dĩ này đã phải cố gắng  xuất thần để nhập vai, mang lại nhiều trận cười bể bụng. Càng về khuya nhiều nhân tài xuất hiện cùng với giọng ca  truyền cảm, lúc thánh thót, lúc trầm buồn, quyện với tiếng đàn nhịp trống như một chất keo sơn không gì tách nổi. Bên ngoài màn đêm buông xuống, không gian tĩnh mịch, chỉ còn những tiếng rỉ rả của côn trùng như muốn nhắc nhở mọi người về hành trình ngày mai. Tất cả trở về phòng riêng và chìm trong giấc ngủ.

Từ sớm tinh sương hành lý đã được xếp gọn vào xe, tài xế dạo một vòng St. Jakobus để vẫy tay chào Mẹ. Điểm đến cuối cùng là thánh đường Tihaljina, nơi cha Jozo Zovko đã bị thuyên chuyển về, thời đó bị nhiều chất vấn các thị nhân đã mô tả dung nhan Mẹ như ở Tihaljina, nên bức hình này đã được phổ biến khắp nơi như biểu tượng Mẹ Medjugorie và nơi đây cũng trở thành một trong những điểm hành hương thu hút.

Sau thánh lễ chúng tôi giã từ Medjugorje trong lưu luyến, nơi đã in sâu những gót giầy hành hương và nhiều kỷ niệm, xe lăn đều trên con dốc ngoằn ngoèo, để lại sau lưng  Thánh giá trắng khuất dần sau rặng núi.

Medjugorje,09-17.05.2011
MDT