Suy Niệm Lời Chúa trong tháng bảy
“Halleluia, Lời Chúa dẫn soi con đường đi. Halleluia! Lời Chúa, bánh thiêng ban nguồn sống! Phúc cho người vui nghe, yêu mến, gẫm suy Lời luôn“
(Đây là những câu trọng tâm, hay những gợi ý của bài Tin Mừng, trước khi tham dự Thánh lễ, anh chị em nên đọc Kinh Thánh ở nhà , suy gẫm những gợi ý, và nhờ vậy mà anh chị em theo dõi bài chia sẻ trong Thánh Lễ được tốt hơn)
Ngày 04 tháng 2. Chúa Nhật thứ 5 mùa thường niên, Tin mừng theo thánh Mác-cô, Mc 1,29-39: Sau khi giảng dạy trong hội trường, Thầy lên đường đi thăm và chữa bệnh. Suốt cả ngày Thầy làm việc đó, thậm chí khi mặt trời đã lặn, Thầy vẫn chưa đi nghỉ. Sáng sớm tinh mơ, trong khi Thầy cầu nguyện một mình, các môn đệ tìm gặp. Rồi Thầy lại lên đường với những công việc đang chờ đón.
Một từ mà tôi rất thường được nghe trong thời gian gần đây, ngay cả bên Việt Nam: “Streß“. Nhiều người than van về áp lực của công việc, về số lượng của công việc trong ngày. Hầu như là công việc đã bám lấy ta, nuốt chửng ta, và ta chỉ còn biết sống cho công việc. Đến một lúc nào đó, quá mệt mỏi, ta chỉ còn muốn bỏ tất cả lại sau lưng, để tìm một công việc khác, tìm nơi sinh sống khác. Thánh Biển-đức (St. Benedikt) dạy rằng: nếu mỗi việc chúng ta làm, được tiến hành trong ý thức là Thiên Chúa đang hiện hữu, thì dù là đang làm việc hay cầu nguyện, ta cũng đều được chan hoà trong ánh sáng tâm linh, ta được năng lượng tâm linh đó nâng đỡ. Bạn hãy thử làm bài tập sau đây: Hằng ngày trong từng hành động, từng bước đi, dù cho bạn đang ở đâu, đang làm đi chăng nữa, bạn nhẩm thầm với từng hơi thở “Chúa hiện diện ở đây và con cũng hiện diện ở đây“. Đâu phải cần đến xong việc, thì ta mới có thời gian sống mối liên kết với Chúa. Mặc khác, cố gắng làm việc với tinh thần trách nhiệm, thì thật đáng quý. Nhưng làm việc với Stress, là mình đã tự đòi hỏi quá khả năng và quá sức lực mà bản thân mình cho phép. Ta cần phải dừng lại, tập săn sóc và thương lấy mình. Có như thế thì mình mới có thể thương được người khác.
Ngày 11 tháng 2. Chúa Nhật thứ 6 mùa thường niên. (Hôm nay giáo xứ dâng Thánh Lễ mừng tết nguyên đán Giáp Thìn). Tin mừng theo thánh Mác-cô, Mc 1,40-45: Người mắc bệnh phong đến gặp Thầy, anh ta quỳ xuống và van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch“.
“Nếu Ngài muốn“, lời nói này bộc lộ sự bất lực hoàn toàn của người bệnh phong. Số phận đã đưa anh đến bước đường cùng. Anh không biết bám víu vào ai, không còn biết phải hy vọng vào điều gì. Anh chỉ còn biết trông cậy vào người đang đối diện với anh: Chúa Giêsu. Ngài đã thấu hiểu nỗi khổ của anh, rồi ban cho anh cái, mà anh đang cần kíp trước hết: sự cảm thông của một con người. Chúa không khinh sợ, mà chạm vào anh, và nói: “Tôi muốn, anh hãy được sạch!“.
Bao nhiêu người, bao nhiêu số phận quanh ta đã trở nên hoàn toàn bất lực, hoàn toàn tuyệt vọng. Những người tị nạn khẩn xin: “Nếu các bạn muốn, thì chúng tôi có tìm được nơi trú ẩn“; Những em bé mồ côi cha mẹ thốt lên: “Nếu ông bà muốn, thì chúng con tìm lại được mái ấm!“; Các trẻ em tìm miếng ăn trên những đống rác kêu lên: “Nếu các bạn muốn, thì chúng tôi được no lòng!“. Bao nhiêu con người sống trong sợ hãi bị khủng bố, van xin: “Nếu các bạn muốn, chúng ta tìm thấy sự hoà giải“. Tất cả những người đó đang mong chờ những người xung quanh cũng nói với họ, như Chúa Giêsu nói với người mắc bệnh phong: “Tôi muốn“.
Ngày 14 tháng 2. Thứ Tư lễ tro. Bắt đầu mùa Chay Thánh. Tin Mừng theo Thánh Mathêu, Mt 6,1-6.16-18: Chúa Giêsu khuyên bảo các môn đệ: Khi làm việc lành phúc đức, khi cầu nguyện, và khi ăn chay, anh em nên làm tất cả trong kín đáo. Cha của anh em, Đấng hiện diện nơi kín đáo, sẽ thấu suốt những gì kín đáo.
Hầu như giáo xứ nào cũng có những cuộc quyên góp từ thiện, những ngày lễ với những đoàn kiệu long trọng, những chuyến đi hành hương, những phong trào chay tịnh, những buổi đàm đạo về Kinh Thánh .. v.v. Nếu như đời sống tâm linh chỉ dừng lại ở đó thì thật hết sức đáng tiếc! Một đời sống tâm linh thật sự phải được thâm nhập trọn vẹn cả con người, phải đi sâu vào trong những góc sâu thẳm nhất trong tâm hồn. Nơi mà chỉ có Thiên Chúa hiện diện mà thôi. Suy cho cùng, niềm tin, mối liên kết với Thiên Chúa… là một điều gì đó hết sức riêng tư, là một mầu nhiệm giữa bạn và Thiên Chúa của bạn.
Ngày 18 tháng 2. Chúa Nhật thứ 1 mùa chay. Tin mừng theo thánh Mác-cô 1,12-15: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng“.
“Anh em hãy quay trở lại!“ (Kehrt um!). Lời Chúa trong Tin mừng vào đầu mùa chay thánh này mời gọi tôi hãy quay về. Trở về với “căn nhà tâm hồn“ của tôi. Ở đó chỉ có tôi đối diện với chính mình. Tôi muốn đi vào từng căn phòng, từng ngõ ngách của căn nhà ấy, quan sát từng mỗi nguồn tư duy, chú ý từng âm thanh vang vọng của lương tâm, xem xét từng cảm xúc trong thế giới tình cảm. Tóm lại, tôi muốn tìm hiểu và nhận ra chính mình. Đối với nhiều nhà Thần học, Triết học, con đường nhận biết chính mình (Selbsterkenntnis) là bước đầu tiên để nhận biết Thiên Chúa (Gotteserkenntnis).
Ngày 25 tháng 2. Chúa Nhật thứ 2 mùa chay, Tin mừng theo thánh Mác-cô 9,2-10: Chúa Giêsu đưa ba ông Phêrô, Giacôbê và Gioan lên một ngọn núi cao. Ở đó Người biến dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh. Phêrô nói rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay!“. Các ông muốn được ở mãi trong “đám mây“ hạnh phúc đó. Nhưng rồi các ông cũng phải “xuống núi“.
Cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa, rồi còn được gần gũi với Ngài đến độ quên hết mọi người, mọi việc, tách ra khỏi hẳn thế giới này, vì đang chìm ngập trong cõi vô biên, vì được bơi lặn trong an bình, trong niềm hạnh phúc không thể diễn tả nỗi. Nếu ai đã từng trải qua những giây phút như vậy thì không muốn trở lại với cuộc sống bình thường nữa. Chúa Giêsu đưa các ông lên núi, Chúa cũng cùng đồng hành với các ông xuống núi. Trở lại với cuộc sống ở đời này, với những niềm vui, những lo âu, cũng như trách nhiệm, là một điều không thể thiếu được trong đời sống tâm linh.