Suy Niệm Lời Chúa trong tháng 11
“Halleluia, Lời Chúa dẫn soi con đường đi. Halleluia! Lời Chúa, bánh thiêng ban nguồn sống! Phúc cho người vui nghe, yêu mến, gẫm suy Lời luôn“
(Đây là những câu trọng tâm, hay những gợi ý của bài Tin Mừng, trước khi tham dự Thánh lễ, anh chị em nên đọc Kinh Thánh ở nhà , suy gẫm những gợi ý, và nhờ vậy mà anh chị em theo dõi bài chia sẻ trong Thánh Lễ được tốt hơn)
Ngày 1 tháng 11. Lễ Các Thánh Nam Nữ. Lễ trọng. Tin Mừng theo Thánh Matthêu 5, 1-12a: Bài giảng trên núi của Chúa Giêsu được mở đầu bằng Tám Mối Phúc. Một vài gợi ý để ứng dụng Tám Mối Phúc trong những va chạm hết sức bình thường của cuộc sống.
- Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó: Sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại, biết trân quý những gì mình đang có; không ganh đua, không tìm cách tích trữ.
- Phúc thay cho ai hiền lành: Thường xuyên thực tập chú ý vào hơi thở, để có thể dễ dàng quay về với chính mình. Nhờ đó, nhận diện kịp thời những cơn nóng giận, phân biệt được “Tôi“ và “Cơn nóng giận trong tôi“ là hai cái khác nhau. Và tôi có hoàn toàn tự do để ứng xử nhẹ nhàng, không để cho nóng giận lôi kéo mình, khống chế mình.
– Phúc thay ai sầukhổ: Không chạy trốn, trái lại biết nhận diện những đau khổ, những cơn buồn đang có mặt trong tâm tư mình và tìm cách chuyển hóa. Lắm khi ta phải tu luyện khả năng tự chế tác cho mình những năng lượng tốt, mạnh mẽ. Thí dụ như từ sự trân quý những gì mình đang có được trong cuộc sống; từ sự nhận diện cái khổ của bao người chung quanh…vv.. Qua đó ta thấy cái khổ của ta cũng không quá lớn đâu, và ta có thể ôm lấy nó.
– Phúc cho ai khao khát sự công chính: Hằng ngày thành phố ta đang sinh sống bỏ đi bao thức ăn, trong khi bao triệu anh chị em ta đang đói. Thành phố mà ta đang sống sử dụng nước phun cho đẹp, trong khi bao triệu anh chị em ta đang khát. Cách sống của ta có liên quan mật thiết với cái đói, cái khát của tất cả anh chị em ta trên quả địa cầu này.
- Phúc cho ai xót thương người: Nhạy cảm hơn, để chú ý xem người bạn đời của mình, hay đồng nghiệp đang có những bức xúc nào, hầu ta dễ thông cảm cho nhau. Hơn thế nữa, lòng từ bi thật sự còn soi sáng cho ta, biết làm cách nào để những người quanh ta bớt khổ.
- Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch:Không để cho những dục vọng của thể xác lèo lái, nhưng biết nhận diện, biết kiềm chế. Và nhờ đó mà ta có thể lấy cái “hiểu và thương“ để soi rọi mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của mình.
- Phúc cho ai xây dựng hoà bình: Trong giáo xứ, trong ban nhóm, chuyện vui, chuyện tốt cho việc chung nên truyền miệng kể cho nhau nghe. Lại có những chuyện chỉ gây thêm bất an, tổn thương bầu khí yêu thương. Mình nên cân nhắc, có cần thiết kể tiếp cho người khác nghe không.
- Phúc cho những ai bị bách hại, bị sỉ vả, vu khống vì Thiên Chúa, vì điều thiện: Có những người, khi bị hiểu lầm, bị nói oan, thay vì dùng bạo lực để biện minh, lại biết kiên nhẫn thinh lặng, trái tim họ không oán trách hận thù, nhưng bao dung, trong niềm tin tưởng rằng sự thật và điều thiện sẽ chiến thắng.
Ngày 05 tháng 11. Chúa Nhật 31 thường niên. Tin Mừng theo Thánh Matthêu 23,1-12: Bấy giờ, Đức Giêsu nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: “Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy. Vậy tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được người ta gọi là thầy.
Ngày 12 tháng 11. Chúa Nhật 32 thường niên. Tin Mừng theo Thánh Matthêu 25,1-13: Dụ ngôn 5 cô gái khôn ngoan và 5 cô gái dại khờ. Mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. Các cô khôn ngoan mang theo chai dầu dự trữ, còn các cô dại khờ thì không. Chú rể đến chậm, các cô thiếp đi và ngủ cả. Nửa đêm khi chú rể đến, các cô thức dậy sửa soạn đèn. Các cô khờ dại không còn dầu nữa, nên phải đi mua. Khi các cô trở về phòng tiệc thì cửa đã đóng. Các cô khờ dại gọi xin mở cửa để được vào. Nhưng có tiếng trả lời: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!“
Đôi dòng suy tư về “sự khờ dại“ trong bài chia sẻ của linh mục dòng Biển Đức Anselm Grün. Hai hệ quả không thuận lợi cho con người trong tình trạng dại khờ: 1) Vì khờ dại, con người mất đi sự sáng suốt, để nhận biết và nhận định được sự việc hay tình huống. Và từ đó mà người khờ dại cũng không có được cách ứng xử hợp lý, hợp tình với tình huống, với sự việc. Năm cô dại khờ không ước đoán được chú rể có thể đến trễ và cũng không có chuẩn bị dầu dự phòng; Hệ quả thứ 2) Sự khờ dại trở nên rất nguy hiểm, khi nó rơi vào tay người có thế quyền. Khi có quyền hành, mà lại khờ dại, lý trí lu mờ không sáng suốt, rất dễ dẫn đưa con người đến một ứng xử ngông cuồng, gây đau khổ cho chính bản thân mình và cho người xung quanh. Chính vì thế, mà trong văn hóa Hy lạp thời Plato, người dại khờ cũng đồng nghĩa với những người gây tội ác.
Ngày 19 tháng 11. Chúa nhật 33 TN. Tin Mừng Thánh Matthêu 25,14-30: Dụ ngôn về ông chủ sắp đi xa. Ông gọi đầy tớ lại và trao cho người năm yến, người hai yến, người thứ ba một yến. Khi trở về, ông chủ rất hài lòng về người có năm yến đã sinh lợi được thêm năm yến, cũng như người có hai yến đã sinh lợi được thêm hai yến. Người có một yến vì sợ hãi, không dám làm gì với số tiền đó, nên đã chôn dấu cẩn thận. Anh trao lại yến bạc cho chủ. Ông chủ nổi giận và cho quăng anh ta ra khỏi nhà.
Bạn và tôi đều được Thiên Chúa trao cho những khả năng, và thậm chí cả tài năng. Thiết nghĩ, chúng ta nên chú tâm vào việc suy tư, tìm phương cách tốt nhất, để làm sao cho những khả năng và tài năng đó sinh hoa trái. Cụ thể, chúng ta làm được gì cho giáo xứ, cho xã hội? Còn những anh chị em khác có sử dụng khả năng của họ hay không, chúng ta không cần biết và cũng không nên biết. Trong dụ ngôn, ông chủ mới là người tính sổ với từng người. Phán xét không phải là việc của bạn, cũng không phải việc của tôi.
Ngày 26 tháng 11. Chúa nhật lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ. Lễ trọng. Tin Mừng theo Thánh Matthêu Mt. 25,31-46: Chúa Giêsu nói với các môn đệ về ngày quang lâm: …bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người.. và Người sẽ nói với những người công chính: “Vì xưa ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát các ngươi đã cho ta uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.“. Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Có bao giờ chúng con thấy Chúa trong những hoàn cảnh như vậy, mà chúng con đã giúp đâu?“. Đức vua sẽ đáp lại rằng: “.. Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của ta đây, là các ngươi đã làm cho chính ta vậy.“
Bạn giúp đỡ một người khốn khó trong gia đình, họ hàng, bạn bè…, như thế đã là quý lắm rồi. Nhưng hình ảnh “anh em bé nhỏ“ mà Chúa Giêsu nói đến, vượt qua khỏi ranh giới của nhóm người bạn mến, nhóm người cùng gia tộc, cùng ngôn ngữ, cùng tôn giáo, hay cùng chính kiến với bạn. Bạn có sẵn lòng giúp đỡ cho bất cứ ai, mà dù cho bạn không cảm thấy họ có thiện cảm; họ không biết nói lời cám ơn; họ không cùng một đất nước, một tôn giáo; và thậm chí họ không có quan điểm chính trị như bạn? Làm một điều gì đó cho “anh em bé nhỏ nhất“ thật không dễ chút nào!