Suy Niệm Lời Chúa trong tháng 2

February 03, 2023 Chuyen mục : Suy niệm lời Chúa

“Halleluia, Lời Chúa dn soi con đường đi. Halleluia! Lời Chúa, bánh thiêng ban nguồn sống! Phúc cho người vui nghe, yêu mến, gẫm suy Lời luôn“

(Đây là những câu trọng tâm, hay những gợi ý của bài Tin Mừng, trước khi tham dự Thánh lễ, anh chị em nên đọc Kinh Thánh ở nhà , suy gẫm những gợi ý, và nhờ vậy mà anh chị em theo dõi bài chia sẻ trong Thánh Lễ được tốt hơn)

Ngày 5 tháng 2. Chúa Nhật thứ 5 mùa thường niên. Tin Mừng theo Thánh Matthêu, Mt. 5,13-16: Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối cho nó mặn lại? ….Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. … Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp của anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.“

1. Nếu như linh mục, tu sĩ nam nữ không tìm thấy bình an, hy vọng và ngay cả niềm vui trong cuộc sống của chính mình, thì làm sao họ có thể nói về bình an, hy vọng và niềm vui của chân lý mà họ đang theo đuổi?

2. Là những người mang trách nhiệm trong những dịp tổ chức lễ, mỗi khi ta có cảm giác căng thẳng, cảm thấy bị áp lực, là những lúc ta nên “quay về“ để tự kiểm điểm. Rồi tự hỏi “Phải chăng mình đang cố gắng toả lan thứ “ánh sáng“ hào nhoáng, làm rạng rỡ danh tiếng của cá nhân mình, hay của ban nhóm mình?“. Nếu như ta cố gắng tỏa lan “ánh sáng“ mà Thầy nhắc nhở “Ánh sáng chỉ cho trần gian biết về Cha trên trời“, thì ta không sợ bị chê, và không chạy theo những lời khen ngợi.

 Ngày 12 tháng 2. Chúa Nhật thứ 6 mùa thường niên. Tin Mừng theo Thánh Matthêu, Mt. 5,17-37: Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào nước trời… Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: chớ giết người, .. còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Bất cứ ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà… Anh em nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Bất cứ ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi… Anh em còn nghe Luật dạy rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Nhưng hễ “có” thì nói “có”, “không” thì phải nói “không”; thêm thắt điều gì là do ác quỷ”.

1. Cầu nguyện cho sự hòa giải trong gia đình, họ hàng, trong giáo xứ.

2. Cầu nguyện cho tình yêu, sự thủy chung, cho sự chấp nhận lẫn nhau trong các gia đình.

3. Cầu nguyện cho những người trong ngành báo chí, truyền thông, ý thức trách nhiệm của mình đối với xã hội. Và nhờ đó luôn làm việc với động thái tôn trọng sự thật.

Ngày 19 tháng 2. Chúa Nhật thứ 7 mùa thường niên. Tin Mừng theo Thánh Matthêu, Mt. 5,38-48: Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác… Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em… Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chả làm như thế sao?… Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha của anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”.

1. Cầu nguyện cho tất cả những ai chọn con đường bất bạo động, để đi đến hòa bình.  

2. Cầu nguyện cho sự hàn gắn những vết thương sâu thẳm giữa bà con họ hàng, giữa bạn bè, giữa các dân tộc.

Ngày 22 tháng 2. Thứ Tư lễ tro. Bắt đầu mùa Chay Thánh. Tin Mừng theo Thánh Mathêu, Mt 6,1-6.16-18. Chúa Giêsu khuyên bảo các môn đệ: Khi làm việc lành phúc đức, khi cầu nguyện, và khi ăn chay, anh em nên làm tất cả trong kín đáo. Cha của anh em, Đấng hiện diện nơi kín đáo, sẽ thấu suốt những gì kín đáo.

Hầu như giáo xứ nào cũng có những cuộc quyên góp từ thiện, những ngày lễ với những đoàn kiệu long trọng, những chuyến đi hành hương, những phong trào chay tịnh, những buổi học hỏi Kinh Thánh .. v.v. Nếu như đời sống tâm linh chỉ dừng lại ở đó thì thật hết sức đáng tiếc! Một đời sống tâm linh thật sự phải được thâm nhập trọn vẹn cả con người, phải đi sâu vào trong những góc sâu thẳm nhất trong tâm hồn, nơi diễn ra cuộc gặp gỡ mầu nhiệm giữa bạn và Thiên Chúa của bạn. Và nếu ta thật sự sẵn sàng để lại sau ta tất cả, sẵn sàng “từ bỏ chính mình“, để được bước vào cuộc gặp gỡ nhiệm mầu đó, ta sẽ được chính Chúa chạm vào tâm hồn ta. Sự va chạm thiêng liêng đó thánh hoá cả cuộc đời ta lúc nào, ta cũng không hay.

Ngày 26 tháng 2. Chúa Nhật thứ 1 mùa chay. Tin mừng theo Thánh Matthêu (Mt. 4,1-11): Chúa Giêsu sống trong hoang địa 40 ngày. Kinh Thánh tường thuật về cuộc cám dỗ diễn ra giữa Chúa Giêsu và  quỷ. Thiết nghĩ, nên hiểu đây là một cuộc đấu tranh, giằng co trong nội tâm của một người thanh niên khi tìm cho mình một hướng đi cho cuộc đời. Những suy tư trằn trọc ngày xưa đó của Chúa Giêsu, có lẽ cũng chẳng khác gì những suy tư của một thanh niên ngày nay, khi anh ta đang định hướng tương lai cho cuộc đời mình. Cuộc giằng co nội tâm cũng hay diễn ra trong mỗi người chúng ta khi đứng trước những chọn lựa: Một con đường để thỏa mãn những nhu cầu vật chất (Nếu ông là Thiên Chúa, thì hãy hóa hòn đá này thành bánh đi); Một con đường danh vọng, để tìm thấy sự khẳng định con người của mình qua vị trí nào đó trong xã hội (Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị với vinh hoa lợi lộc của các nước); Hay là con đường sống trong thiếu trách nhiệm đối với bản thân mình, quy vào tất cả cho số phận (Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống vực thẳm đi, vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn). Cả ba con đường với ba cách sống đó Chúa Giêsu không chọn. Chúa  đi con đường nào thì chúng ta đã biết.

Chẳng lẽ ước muốn sâu sắc nhất của đời ta chỉ là để đi làm kiếm tiền, hầu thỏa mãn những nhu yếu ăn uống, đi du lịch, sắm xe đẹp, xây nhà? Chẳng lẽ ước muốn sâu sắc của cuộc đời ta chỉ dừng lại ở việc đi  tìm một người vợ tốt, người chồng tốt, rồi cùng nhau gầy dựng một gia đình? Có khi nào ta đặt cho ta câu hỏi: ước muốn său sắc nhất trong đời ta là gì? Phải chăng trong sâu thẳm, ta đã từng và đang khao khát một sự „hiểu biết lớn“. Không phải là một hiểu biết thực dụng, thu thập những kiến thức để đạt được danh lợi, sự công nhận, những lời khen, một bằng cấp. Nhưng là sự hiểu biết thoả mãn khát khao thầm kín nhất trong tâm hồn của ta, là hiểu thấu được bản chất của hiện hữu: Ta là ai? Có phải ta chỉ là hình hài này? Những gì đang diễn ra trong ta và ngoài ta? ….Bên cạnh sự khao khát về “hiểu biết lớn“, là niềm khao khát „yêu thương lớn“. Yêu thương này không chỉ giới hạn trong gia đình mình: cha mẹ, anh chị em, vợ, chồng, con, hay là sự yêu thương đoàn kết trong một ban, nhóm. Mà là một yêu thương lớn trong sâu thẳm trái tim ta, làm cho ta khao khát được cảm thông, được ôm ấp tất cả mọi người, mọi loài. Vì trong sâu thẳm ta biết rõ rằng, tất cả mọi người, mọi loài, trong vũ trụ này, những gì mà ta cho là tạo vật được Thiên Chúa dựng nên, đều thuộc về nhau, chúng ta cần có nhau để được hiện hữu.

Thầy của chúng ta, Chúa Giêsu, đã đi vào trong hoang địa để có cơ hội trăn trở với câu hỏi Ước muốn sâu sắc nhất của đời ta là gì“. Rồi Ngài đã tìm được câu trả lời, Ngài đã từ bỏ tất cả  để sống cho hiểu biết lớn“, cho yêu thương lớn“.