Suy Niệm Lời Chúa trong tháng 11

November 09, 2022 Chuyen mục : Suy niệm lời Chúa

“Halleluia, Lời Chúa dn soi con đường đi. Halleluia! Lời Chúa, bánh thiêng ban nguồn sống! Phúc cho người vui nghe, yêu mến, gẫm suy Lời luôn“

(Đây là những câu trọng tâm, hay những gợi ý của bài Tin Mừng, trước khi tham dự Thánh lễ, anh chị em nên đọc Kinh Thánh ở nhà , suy gẫm những gợi ý, và nhờ vậy mà anh chị em theo dõi bài chia sẻ trong Thánh Lễ được tốt hơn)

Ngày 1 tháng 11. Lễ Các Thánh Nam Nữ. Lễ trọng. Tin Mừng theo Thánh Matthêu 5, 1-12a: Bài giảng trên núi của Chúa Giêsu được mở đầu bằng Tám Mối Phúc. Một vài gợi ý để ứng dụng Tám Mối Phúc trong những va chạm hết sức bình thường của cuộc sống.

  • Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó: Sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại, biết trân quý những gì mình đang có; không ganh đua, không tìm cách tích trữ.
  • Phúc thay cho ai hiền lành: Thường xuyên thực tập chú ý vào hơi thở, để có thể dễ dàng quay về với chính mình. Nhờ đó, nhận diện kịp thời những cơn nóng giận, phân biệt được “Tôi“ và “Cơn nóng giận trong tôi“ là hai cái khác nhau. Và tôi có hoàn toàn tự do để ứng xử nhẹ nhàng, không để cho nóng giận lôi kéo mình, khống chế mình.

–   Phúc thay ai sầu khổ: Không chạy trốn, trái lại biết nhận diện những đau khổ, những cơn buồn đang có mặt trong tâm tư mình và tìm cách chuyển hóa. Lắm khi ta phải tu luyện khả năng tự chế tác cho mình  những năng lượng tốt, mạnh mẽ. Thí dụ như từ sự trân quý những gì mình đang có được trong cuộc sống; từ sự nhận diện cái khổ của bao người chung quanh…vv.. Qua đó ta thấy cái khổ của ta cũng không quá lớn đâu, và ta có thể ôm lấy nó.

–   Phúc cho ai khao khát sự công chính: Hằng ngày thành phố ta đang sinh sống bỏ đi bao thức ăn, trong khi bao triệu anh chị em ta đang đói. Thành phố mà ta đang sống sử dụng nước phun cho đẹp, trong khi bao triệu anh chị em ta đang khát. Cách sống của ta có liên quan mật thiết với cái đói, cái khát của tất cả anh chị em ta trên quả địa cầu này.

  • Phúc cho ai xót thương người: Nhạy cảm hơn, để chú ý xem người bạn đời của mình, hay đồng nghiệp đang có những bức xúc nào, hầu ta dễ thông cảm cho nhau. Hơn thế nữa, lòng từ bi thật sự còn soi sáng cho ta, biết làm cách nào để những người quanh ta bớt khổ.
  • Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch: Không để cho những dục vọng của thể xác lèo lái, nhưng biết nhận diện, biết kiềm chế. Và nhờ đó mà ta có thể lấy cái “hiểu và thương“ để soi rọi mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của mình.
  • Phúc cho ai xây dựng hoà bình: Trong giáo xứ, trong ban nhóm, chuyện vui, chuyện tốt cho việc chung nên truyền miệng kể cho nhau nghe. Lại có những chuyện chỉ gây thêm bất an, tổn thương bầu khí yêu thương. Mình nên cân nhắc, có cần thiết kể tiếp cho người khác nghe không.
  • Phúc cho những ai bị bách hại, bị sỉ vả, vu khống vì Thiên Chúa, vì điều thiện: Có những người, khi bị hiểu lầm, bị nói oan, thay vì dùng bạo lực để biện minh, lại biết kiên nhẫn thinh lặng, trái tim họ không oán trách hận thù, nhưng bao dung, trong niềm tin tưởng rằng sự thật và điều thiện sẽ chiến thắng.

Ngày 06 tháng 11. Chúa Nhật 32 thường niên. Tin Mừng theo Thánh Luca 20,27-38: Khi đuợc hỏi về chuyện vợ chồng ở đời sống mai sau, Chúa Giêsu trả lời: “Con cái đời này thì cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các Thiên Thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại“.

Chúa Giêsu còn nhấn mạnh về sự sống mới trong Thiên Chúa, khi Ngài nói về Giavê Thiên Chúa, Đấng đã phán truyền cho Môsê ở bụi gai: “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống“.

Ngày 13 tháng 11. Chúa Nhật 33 thường niên. Tin Mừng theo Thánh Luca 21,5-19: “Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện. Nhưng trước khi các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa bằng cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan….“

Chính Thầy đang và sẽ luôn hiện diện, để dìu dắt và soi sáng chúng ta. Nếu vậy thì dù cho có bị bắt bớ, tù đày, hay phải đối đầu với những trận động đất lớn, ôn dịch và đói kém, chúng ta không nao núng và sợ hãi.

Ngày 20 tháng 11. Chúa nhật lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, lễ trọng. Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. Tin Mừng theo Thánh Luca 23,35-43: Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!“. Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!“. Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi nào ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi!“ Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng“.

Cho dù ở trong bất cứ một hoàn cảnh nào, xin cho con luôn nhìn ra được diện mạo của Thiên Chúa, ánh sáng hy vọng duy nhất của đời con.

Ngày 27 tháng 11. Chúa Nhật thứ nhất mùa vọng. Tin Mừng theo Thánh Mathêu 24,37-44: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông phải canh thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến“.

Con đã và đang cố gắng luôn sẵn sàng để mong đợi Chúa đến: Chúa đến với con trong Thánh Lễ, khi con được nghe Lời Chúa và rước lấy Mình Thánh Chúa; Chúa đến với con trong giờ kinh nguyện sớm tối; Chúa đến với con khi con đang trên đường đi làm, đi học; Chúa đến với con khi vui cũng như khi con thất vọng, buồn sầu. Xin hãy ở bên con trong từng hơi thở của cuộc sống.