Suy Niệm Lời Chúa trong tháng bảy 2020

June 30, 2020 Chuyen mục : Suy niệm lời Chúa

“Halleluia, Lời Chúa dn soi con đường đi. Halleluia! Lời Chúa, bánh thiêng ban nguồn sống! Phúc cho người vui nghe, yêu mến, gẫm suy Lời luôn“

(Đây là những câu trọng tâm, hay những gợi ý của bài Tin Mừng, trước khi tham dự Thánh lễ, anh chị em nên đọc Kinh Thánh ở nhà , suy gẫm những gợi ý, và nhờ vậy mà anh chị em theo dõi bài chia sẻ trong Thánh Lễ được tốt hơn)

Ngày 5 tháng 7. Chúa Nhật 14 thường niên. Tin Mừng theo Thánh Matthêu Mt 11,25-30: Chúa Giêsu cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì cha đã dấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn… Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người con, trừ Chúa Cha; cũng không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho. Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng“.

Trước khi đi tham quan một thành phố hay một đất nước, nhiều người trong chúng ta thu thập những thông tin về thành phố, đất nước đó. Rồi  khi đọc những thông tin, hay xem những hình ảnh, ta hình dung và có vài khái niệm về kiến trúc, nghệ thuật, sinh hoạt hằng ngày của thành phố, của đất nước. Nhưng khi đến nơi tham quan, nếu như ta dứt bỏ đưọc những hình ảnh mà ta đã hình dung từ những thông tin, ta có dịp tiếp cận sự thật không bị gạn lọc, thì ta thốt lên: À, thành phố này không như những gì tôi đã đọc biết đuợc. Nếp sống ở đây không như tôi đã hình dung“. Kinh nghiệm này cũng có thể áp dụng trong quan hệ con người. Chắc chắn là có lần bạn đã tự nhủ, sau khi quen biết, tìm hiểu một con người: Anh hay chị này, không như những lời người ta đồn đãi“. Ta cần có những thông tin, những kiến thức. Nhưng nếu như ta tự trói buộc mình vào những kiến thức, hay những định kiến cá nhân, ta không thể tiếp cận được với sự thật.

Bật khôn ngoan và thông thái“ ở đây nói đến những người tiếp đón Tin Mừng bằng cặp mắt kính“ của những kiến thức, thông tin, của những định kiến mà họ cho là chuẩn mực. Ngược lại những người bé mọn“ tiếp nhận mầu nhiệm Nước Trời“ không bị gạn lọc bởi một định kiến hay phán đoán nào cả.

 

Ngày 12 tháng 7. Chúa Nhật 15 thường niên. Tin Mừng theo Thánh Matthêu Mt 13,1-23: Chúa Giêsu kể dụ ngôn: “Người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi người ấy gieo, có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu, nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi trên đất tốt, nên sinh hoa kết quả“

Giải nghĩa dụ ngôn: “Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. Còn kẻ được gieo trên sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rể mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. Còn kẻ được nghe trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả…“ (Mt 13,18-23)

 

Ngày 19 tháng 7. Chúa Nhật 16 thường niên. Tin Mừng theo Thánh Matthêu Mt 13,24-43: Dụ ngôn “lúa và cỏ lùng“: Người kia gieo lúa trong ruộng mình. Kẻ thù của ông gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa. Khi lúa mọc lên trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ muốn ra đồng gom cỏ lùng lại. Ông chủ bảo: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi“.

Đầy tớ phát hiện “cỏ lùng“ (đồng nghĩa với điều xấu, sự dữ) trong ruộng lúa (giáo xứ, cộng đồng) của chủ. Sự siêng năng và cần mẫn của đầy tớ thể hiện qua lời đề nghị với ông chủ: “Ông có muốn chúng tôi ra đi và gom cỏ lùng lại?“ Vì quá nhiệt tình và cần mẫn nhưng thiếu suy xét, người đầy tớ không đoán được là hệ quả của công việc có thể là tổn hại đến cái thiện, cái tốt: bật luôn rễ của lúa. Đôi khi sự nhiệt tình của tôi có thể dẫn đến tổn hại cho bản thân, cho giáo xứ, nếu tôi không biết suy xét, đắn đo cẩn thận.

Trong câu trả lời của ông chủ có hai điểm đáng chú ý:

điểm 1. “Đến mùa gặt”; điểm 2. “Tôi sẽ bảo“.Ông chủ hài lòng về sự nhiệt thành của đầy tớ. Nhưng việc “thu cỏ lùng“ khi nào và như thế nào thì là quyết định của ông chủ.

 

Ngày 26 tháng 7. Chúa Nhật 17 thường niên. Tin Mừng theo Thánh Matthêu Mt 13,44-52: Chúa Giêsu kể dụ ngôn sau đây: “Nước trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy“.

Hai chi tiết không nổi bật nhưng nên làm cho ta chú ý và suy tư:

  1. Việc tìm kho báu và viên ngọc đòi hỏi con người ta phải lên đường, phải vất vả, và lắm khi phải mạo hiểm. Không ít khi người đi tìm phải thất vọng và muốn bỏ cuộc.

 2. Điều gì đã thôi thúc họ lên đường đi tìm kho báu? Làm sao mà họ biết là có một kho báu, hay viên ngọc đang ở đâu đó? Ai đã gieo rắc trong tâm tư của họ niềm hy vọng và tin tưởng rằng, một ngày nào đó họ sẽ tìm ra kho báu?