Suy Niệm Lời Chúa trong tháng 3 năm 2020

March 01, 2020 Chuyen mục : Suy niệm lời Chúa

“Halleluia, Lời Chúa dn soi con đường đi. Halleluia! Lời Chúa, bánh thiêng ban nguồn sống! Phúc cho người vui nghe, yêu mến, gẫm suy Lời luôn“

(Đây là những câu trọng tâm, hay những gợi ý của bài Tin Mừng, trước khi tham dự Thánh lễ, anh chị em nên đọc Kinh Thánh ở nhà , suy gẫm những gợi ý, và nhờ vậy mà anh chị em theo dõi bài chia sẻ trong Thánh Lễ được tốt hơn)

Ngày 01.03. Chúa Nhật thứ 1 mùa chay. Tin mừng theo Thánh Matthêu (Mt. 4,1-11): Chúa Giêsu sống trong hoang địa 40 ngày. Kinh

Thánh tường thuật về cuộc cám dỗ diễn ra giữa Chúa Giêsu và  quỷ. Thiết nghĩ, nên hiểu đây là một cuộc đấu tranh, giằng co trong nội tâm của một người thanh niên khi tìm cho mình một hướng đi. Những suy tư trằn trọc ngày xưa đó của Chúa Giêsu, có lẽ cũng chẳng khác gì những suy tư của một thanh niên ngày nay, khi anh ta đang định hướng tương lai cho cuộc đời mình. Cuộc giằng co nội tâm cũng hay diễn ra trong mỗi người chúng ta khi đứng trước những chọn lựa: Một con đường để thỏa mãn những nhu cầu vật chất (Nếu ông là Thiên Chúa, thì hãy hóa hòn đá này thành bánh đi); Một con đường danh vọng, để tìm thấy sự khẳng định con người của mình qua vị trí nào đó trong xã hội (Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị với vinh hoa lợi lộc của các nước); Hay là con đường sống trong vô thức, vô trách nhiệm đối với bản thân mình, quy vào tất cả cho số phận (Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống vực thẳm đi, vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn). Cả ba con đường với ba cách sống đó Chúa Giêsu không chọn. Chúa  đi con đường nào thì chúng ta đã biết. Chúng ta đã đi được đoạn nào của cả con đường mà Thầy đã đi qua.

Ngày 08.03. Chúa Nhật thứ 2 mùa chay. Tin mừng theo Thánh Matthêu (Mt. 17,1-9). Chúa Giêsu đưa ba ông Phêrô, Giacôbê và Gioan lên một ngọn núi cao. Ở đó Người biến dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh. Phêrô nói rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay!“. Các ông muốn được ở mãi trong “đám mây“ hạnh phúc đó. Nhưng rồi các ông cũng phải “xuống núi“. Cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa, rồi còn được gần gũi với Ngài đến độ quên hết mọi người, mọi việc, tách ra khỏi hẳn thế giới này, vì đang chìm ngập trong cõi vô biên, bơi lặn trong thế giới của Thiên Chúa. Nếu ai đã từng trải qua những giây phút như vậy thì không muốn trở lại với cuộc sống bình thường. Chúa Giêsu đưa các ông lên núi, Chúa cũng cùng đồng hành với các ông xuống núi. Trở lại với cuộc sống ở đời này, với những niềm vui, những lo âu, cũng như trách nhiệm, là một điều không thể thiếu được trong đời sống tâm linh.

Ngày 15.03. Chúa Nhật thứ 3 mùa chay. Tin mừng theo Thánh Gioan (Ga. 4,5-42) : Cuộc gặp gỡ giữa Đức Kitô – Thầy của chúng ta – và người phụ nữ Sa-ma-ri, bên giếng nước Gia-cóp: Thầy nói: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi ban cho, sẽ không bao giờ khát nữa“ (Gioan 4,13-14): Ở đây Đức Kitô không nhắc đến nỗi khao khát do những đòi hỏi xác thịt, mà là nỗi khao khát được khơi lên từ nơi sâu thẳm của tâm hồn. Và Thầy muốn dẫn đưa mọi người chúng ta đến nguồn nước để làm thỏa đi nỗi khao khát đó: Sống trong sự liên kết mật thiết với Thiên Chúa; hay nói khác đi: Tìm lại Thiên Chúa trong chính mình. Đối với Thầy, dẫn đưa con người đến nguồn nước là một sứ mạng, mà Thầy thấy cần phải thực hiện, ví như con người cần thở, cần ăn uống để sống. Khi các môn đệ hỏi: “Đã có ai mang đến thức ăn cho Thầy rồi chăng?“. Chúa Giêsu trả lời: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.“ (Gioan 4, 33-34).

Ngày 22.03. Chúa Nhật thứ 4 mùa chay. Tin mừng theo Thánh Gioan (Ga. 9,1-41): Thầy chữa lành cho một người mù từ thuở mới sinh được sáng mắt: Những người Do Thái không thể nào tin rằng anh thanh niên sáng mắt đang nhìn thấy được là anh mù xin ăn ở vệ đường. Họ gọi cha mẹ của anh đến để hỏi xem, có phải là con của ông bà ta không. Cả những người Pharisêu cũng không tin là anh ta, một kẻ có tội theo sự phán đoán của họ, mà nay được chữa lành. Đức Kitô nói: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người mù thấy được, và  kẻ đang xem thấy lại trở nên đui mù!“ (Gioan 9,39). Lại một lần nữa, ở đây không phải là sự đui mù về thể xác, mà là sự mù lòa của tâm hồn. Người mù, tuy đui mù về thể xác, nhưng đôi mắt tâm hồn anh cảm nhận được ánh sáng nơi Đức Kitô, anh cầu khẩn với lòng tin tưởng và anh đã được nhậm lời. Ngược lại, những người xung quanh anh, tuy nhìn thấy được, nhưng đôi mắt tâm hồn của họ đã bị mù loà từ lâu. Họ mù lòa vì chính sự phán xét của mình, vì định kiến, vì sự hiểu biết sai lầm về Thiên Chúa. Điều đáng tiếc và cũng đáng thương là họ không nhận ra sự mù loà của mình. Câu trả lời của Đức Kitô (Gioan 9,41) cho các người Pharisêu: Nếu các ông nhận ra sự đui mù của mình, thì các ông đã không có tội. Đằng này các ông lại khẳng định rằng, các ông sáng suốt, nên tội các ông vẫn còn.

Ngày 29.03. Chúa Nhật thứ 5 mùa chay, Tin mừng theo Thánh Gioan 11,1-45: Đức Kitô gọi Ladarô từ cõi chết trở về với cuộc sống: Trong ánh mắt và sự cảm nhận của họ, anh ta đã chết. Theo Kinh Thánh tường thuật, Ladarô được quấn vải liệm và được đặt trong huyệt mộ. Ngôi mộ là một cái hang có phiến đá đậy lại. Có lẽ mỗi người chúng ta đang bị trói buộc trong khăn liệm, đang nằm trong “huyệt mộ“ và khó mà ra khỏi vì có một “phiến đá“ đang đè nặng. Khăn liệm và phiến đá trong đời sống hằng ngày mang một dáng vóc khác:

  • Tôi sợ bị phê bình, sợ bị tổn thương, cho nên tốt hơn thủ thế, không động đậy nữa.
  • Tôi đã bị tổn thương trong quá khứ, cho nên không còn muốn quan hệ với ai nữa.
  • Tôi đã từng bị từ chối, nên không còn sức để bày tỏ tình cảm với ai nữa.
  • Tôi cho rằng số phận mình khổ, cho nên không còn thiết gì đến đi tìm hạnh phúc nữa.

Hãy thành tâm trình bày cho Đức Kitô tấm khăn liệm và phiến đá nặng nề của chúng ta. Hãy kiên nhẫn và tập trung để lắng nghe tiếng Đức Kitô gọi: “Cả con nữa, cũng hãy ra khỏi mồ!“