Suy Niệm Lời Chúa trong tháng bảy

June 27, 2019 Chuyen mục : Suy niệm lời Chúa

“Halleluia, Lời Chúa dn soi con đường đi. Halleluia! Lời Chúa, bánh thiêng ban nguồn sống! Phúc cho người vui nghe, yêu mến, gẫm suy Lời luôn“

(Đây là những câu trọng tâm, hay những gợi ý của bài Tin Mừng, trước khi tham dự Thánh lễ, anh chị em nên đọc Kinh Thánh ở nhà , suy gẫm những gợi ý, và nhờ vậy mà anh chị em theo dõi bài chia sẻ trong Thánh Lễ được tốt hơn)

Ngày 7 tháng 7. Chúa Nhật 14 thường niên. Tin Mừng theo Thánh Luca 10,1-12.17-20: Chúa Giêsu chỉ định 72 môn đệ khác, và sai các ông đi vào các thành phố, nơi mà chính Ngài cũng sẽ đến. Ngài bảo các ông:

Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít… Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường…  Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành và nói với họ: Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.

Ba ý tưởng về sứ mạng truyền giáo qua đoạn tin mừng trên.

  1. “Đừng chào hỏi ai dọc đường. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia“. Thiết nghĩ, lời của Thầy nhắc nhở về thái độ khi truyền giáo. Không nên vồn vã, hấp tấp, như nhân viên quảng cáo. Mà là từ tốn, kiên nhẫn, biết suy xét và cảm nhận, biết chọn lựa lời nói, hành động, cũng như địa chỉ thích hợp: chỉ đến với những ai đang tìm kiếm, khao khát và chờ đón tin mừng. Điều đó không có nghĩa là thờ ơ, không đoái hoài, không quan tâm đến những ai không tìm kiếm niềm tin, hay không muốn tin. Nhưng chính thái độ cẩn thận, tế nhị, không vồn vã, làm cho người đối diện có thời gian và không gian để nhận định, để suy tư và đi đến quyết định. Tế nhị và dè dặt trong truyền giáo thể hiện lòng tôn trọng sự trưởng thành và quyền tự do của con người.
  2. Nội dung của lời rao giảng thật dễ hiểu và đơn giản: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần“. Chỉ cần mở mắt ra để nhìn, mở tim ra để cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa, triều đại của Ngài. Không phải trong những sự kiện lạ lùng, cao xa. Mà ngay trong những khao khát bình an, tha thứ và yêu thương, trong những nổ lực và dấn thân cho hòa bình và tự do.
  3. Các môn đệ được sai đi đến những nơi, mà chính Chúa Giêsu sẽ đến. Vậy các ông chỉ là những người đi trước, dọn đường. Linh mục, tu sĩ và hội thánh không phải là điểm đích, mà là bảng chỉ đường. Sự đón nhận và cảm nhận tin mừng diễn ra khi nào và như thế nào, không nằm trong tầm tay của con người, mà là tác động của Thiên Chúa.

Ngày 14 tháng 7. Chúa Nhật 15 thường niên. Tin Mừng theo Thánh Luca 10,25-37: Khi được hỏi “Ai là người thân cận của tôi?“. Chúa Giêsu kể câu chuyện về một người lữ hành bị một kẻ cướp đón đường, đánh đập, lấy hết tài sản, rồi bỏ mặc người bị thương nửa sống nửa chết. Thầy tư tế trông thấy nạn nhân trên đường, ông tránh qua bên kia đường mà đi. Một thầy Lêvi cũng cư xử như vậy. Nhưng một người Samari thì hành động lại khác: ông ta lại gần nạn nhân, ông xem xét và động lòng thương. Ông băng bó người ấy, mang về quán trọ và yêu cầu săn sóc.

Đã bao giờ bạn tự hỏi: Ai là người thân cận cần sự giúp đỡ của tôi? Hình ảnh người thân cận trong câu chuyện là một người đầy thương tích và hoàn toàn bất lực. Anh đang ở trong hiểm nguy, và anh không còn có sức lực và khả năng để tự thoát ra hiểm nguy đó. Anh cần sự giúp đỡ của người khác. Vết thương và nguy hiểm của anh thật rõ ràng, thầy Tư Tế và Lêvi thấy và tránh né, không muốn phiền toái đến bản thân, không muốn mất thời gian, không muốn gián đoạn cuộc hành trình của mình. Có bao nhiêu người đang sống chung quanh bạn, và cần sự giúp đỡ của bạn? Có thể, vết thương và hiểm nguy của họ không thể hiện rõ rệt bên ngoài, như nạn nhân trong câu chuyện. Nhưng có rất nhiều người mang những tổn thương sâu thẳm trong tâm hồn, mà chỉ có sự nhạy cảm, tinh tế, lắng nghe và thông cảm của bạn mới có thể giúp họ. Bạn có sẵn lòng gián đoạn cuộc hành trình của mình, như người Samari? Sẵn lòng bỏ thời gian để xem xét, nhận ra những tổn thương và cảm thông? Sẵn lòng băng bó và mang người bên cạnh đến nơi mà anh ta được săn sóc và yêu thương? Bạn cũng hãy hỏi Chúa Giêsu: Thưa Thầy, ai là người thân cận của con, trong gia đình, trong anh chị em, trong ban ngành, trong cộng đoàn và trong xã hội?

Ngày 21  tháng 7. Chúa Nhật 16 thường niên. Tin Mừng theo Thánh Luca 10,38-42: Có người phụ nữ tên Mácta đón Chúa Giêsu về nhà. Maria là em gái cô, cứ ngồi bên cạnh Chúa Giêsu để nghe Người dạy, cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô nói với Người: “Thưa thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!“ Chúa đáp: “Mácta, Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi“.

Với tư cách là chủ nhà và có lòng mến khách, Mácta lo lắng mọi chuyện: thức ăn, thức uống, bày dọn, xem trước ngó sau để khách không thiếu thứ gì, từ thức ăn đến thức uống. Chị quên rằng, vị khách của mình, khi đến thăm, không chỉ muốn thưởng thức những thức ăn, thức uống, mà hơn nữa, còn muốn tặng cho chị sự hiện diện, sự thân mật, muốn trao đổi với chị về những thông tin, muốn chia sẻ với chị những niềm vui, muốn hỏi thăm chị, lắng nghe những lo âu của chị. Đó là “phần tốt nhất“ mà Chúa Giêsu nói đến. “Phần tốt nhất“ này lắm khi nhiều người trong chúng ta, như cô Mácta vậy, lại xem nhẹ. Nhiều khi chủ nhà bỏ ra nhiều thời gian và công sức trong bếp. Tất bật khi khách đến, bận rộn chạy tới chạy lui khi khách ngồi bàn, và mệt mỏi vì phải dọn dẹp nhiều khi khách đã ra về. Khách trên đường về, đầy bụng vì ăn quá nhiều, áy náy vì thấy chủ nhà quá mệt nhọc, cảm thấy thiếu cái gì đó, vì không có dịp gần gủi với chủ nhà để trao đổi. Ấy thế mà nhiều người còn quả quyết cho rằng: đó là những cuộc gặp mặt để quen nhau, để liên kết tình thân.

Ngày 28 tháng 7. Chúa Nhật 17 thường niên. Tin Mừng theo Thánh Luca 11,1-13: Các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy cho cầu nguyện. Chúa dạy cho các ông kinh Lạy Cha và Người còn nói: Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở cho. … Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?“.

Lắm khi trong lúc cầu nguyện, tôi chỉ biết dâng lên Thiên Chúa bao nhiêu là ước nguyện của tôi, những mong chờ, những hy vọng. Và lắm khi tôi phải thất vọng, khi thấy rằng, những nguyện vọng của tôi không được Thiên Chúa ban cho. Rồi một lúc nào đó, tôi phát hiện ra rằng: cái quan trọng đối với tôi, không phải là cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa, tìm kiếm và sống mối liên kết với Ngài, mà quan trọng đối với tôi là tìm một Thiên Chúa, Đấng nên làm cho những ước nguyện của tôi trở thành hiện thực. Tôi quên rằng, câu đầu tiên Chúa Giêsu dạy các môn đệ về việc cầu nguyện là: Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến“.