Suy Niệm Lời Chúa
trong tháng 12.2018 và tháng 01.2019

November 30, 2018 Chuyen mục : Suy niệm lời Chúa

Tháng 12.2018

Ngày 02 tháng 12. Chúa Nhật thứ nhất mùa vọng. Tin mừng theo Thánh Luca 21,25-28; 21,34-36: Ngày mà Con Người sẽ ngự đến được diễn tả trong Kinh Thánh, luôn đi kèm với những thay đổi hết sức to lớn trong vũ trụ, khiến loài người phải sợ hãi hoang mang. Nhưng lời của Chúa Giêsu củng cố lòng tin của các môn đệ: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc“. Ngài còn khuyên nhủ các ông: “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời… anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn“.

Ngày 09.12.18. Chúa Nhật 2 mùa vọng. (Luca 3,1-6): “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng“. Tiếng hô trong hoang địa mời gọi mỗi người chúng ta xem xét lại cuộc sống mình, kiểm nghiệm lại những thói quen nào trong nếp nghĩ, trong lời nói, hành động, đã cản trở mình tìm lại sự liên kết với Thiên Chúa. “Tiếng hô“ đó còn hứa hẹn niềm hy vọng: “Rồi hết thảy mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa“.

Ngày 16.12.18. Chúa Nhật 3 mùa vọng. (Luca 3,10-18): Để dọn đường cho Chúa đến, ông Gioan nêu lên một chương trình cụ thể. 1. Yêu cầu sự công bằng trong xã hội; khơi dậy tinh thần tương thân tương ái: “Ai có hai áo, chia cho người không có“. 2. Chống bóc lột: người thu thuế không được thu quá mức ấn định. 3. Chống áp bức: những người có quyền hành, như binh lính, không được hà hiếp dân chúng. Ông Gioan còn tiên báo về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế: “Tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến. Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa“.

Ngày 23.12.18. Chúa Nhật 4 mùa vọng. (Luca 1,39-45): Maria đến thăm chị họ là bà Elisabet đang mang thai. Vừa nghe tiếng Maria chào, đứa con trong bụng nhảy lên, được tràn đầy ơn Thánh Thần, bà Elisabet cất lời khen ngợi Maria, nói đúng hơn, đó là lời ngợi khen Thiên Chúa. Lời ngợi khen kết thúc: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em“. Phúc đức ở đây không dựa trên những giá trị thông thường trong cuộc sống mà hầu hết mọi người theo đuổi, ví dụ như: vợ chồng đầm ấm, đời sống vật chất đầy đủ, con cái học hành tấn tới…vv. Phúc đức mà Elisabet ca ngợi chỉ dựa trên một cơ sở duy nhất: Niềm tin vào Thiên Chúa, tin vào con đường mà Thiên Chúa đã chọn cho chúng ta và tin rằng luôn được Ngài thương dẫn dắt.

Ngày 24.12.18. Thánh lễ đêm Giáng Sinh. (Luca 2,1-14): Lời của Sứ thần loan báo trong đêm thánh này: “Anh em đừng sợ. Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân: Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavit, Người là Đấng Kitô là Đức Chúa“. Sau hơn 2000 năm kể từ lời loan báo đó, thế giới vẫn còn chìm ngập trong sợ hãi, lo âu, trong chiến tranh và hận thù, trong bệnh tật và thiên tai. Phải chăng vì con người vẫn còn mãi tìm kiếm Thiên Chúa ở Bêlêhem, mà không biết rằng, Thiên Chúa đang “sinh ra“ hằng ngày, hằng giờ trong mỗi con người chúng ta? Con người vẫn còn phải học tìm kiếm, học khám phá ra “Đấng được sinh ra. Ngày xưa sứ thần đã nói: Chúa sinh ra ngay trong thành vua Đavit. Ngày nay sứ thần sẽ nói với từng người: Đức Chúa sinh ra ngay trong lòng anh chị em.

Ngày 25.12.18. Thánh lễ Mừng Chúa Giáng Sinh. (Gioan 1,1-5.9-14). Một ý tưởng trong đoạn Kinh Thánh này: Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Những ai đón nhận Người, tức là ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con cái Thiên Chúa. Thiết nghĩ tôi nên đặt lại câu hỏi về niềm tin Kitô giáo của mình. Tôi có sống với quyền “đã trở nên con cái Thiên Chúa“ chưa? Hay là tôi vẫn sống, phấn đấu và hướng đời mình theo những đòi hỏi của thế gian. Để rồi, thay vì sống trong tự do là con Thiên Chúa, tôi chạy như một tên nô lệ theo những dục vọng, những ham muốn, những đòi hỏi của thế gian này.

Ngày 30.12.18. LThánh Gia Thất. (Luca 2,41-52): Cha mẹ Đức Giêsu cùng với Ngài lên đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua lúc Đức Giêsu được mười hai tuổi. Xong kỳ lễ, Đức Giêsu ở lại thành Giêrusalem, nhưng cha mẹ không biết, cứ tưởng là cậu bé Giêsu đi trong đoàn lữ hành. Hai người phải trở lại để tìm. Sau ba ngày tìm thấy con đang ở trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các bậc thầy, vừa nghe, vừa đặt câu hỏi. Khi tìm thấy con, ông bà sửng sốt và trách cứ: “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế?…”. Người thưa: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”. Nhưng ông bà không hiểu lời Người nói.

Lời Chúa trong tháng 01.2019

Ngày 06.01.19. Chúa nhật 2 sau Giáng Sinh, lễ Hiển Linh. (Mathêu 2,1-12): Ba nhà thông thái từ phương xa lên đường đi theo ánh sao để tìm Đấng Cứu Thế. Khi tìm thấy Người, ba ông sấp mình thờ lạy, rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương, mộc dược mà dâng tiến. Vua Hêrôđê thì không đi tìm gì cả. Có lẽ ông cho rằng mình đã tìm thấy: đó là cái ngai vàng của ông. Bao lâu ông còn được sùng bái, còn có quyền lực, thì ông còn thấy giá trị của ông. Tất cả những thứ đó đã làm ông thoả mãn, không cần tìm gì thêm nữa. Tôi đang ở trong nhân vật nào của đoạn Kinh Thánh này?

Ngày 13.01.19. Chúa Giêsu chịu phép rửa. Lễ kính. (Luca 3,15-16.21-22). Chúa Giêsu cũng chịu phép rửa, đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và có tiếng từ trời phán: “Con là con yêu dấu của cha; cha hài lòng về con”. Bạn hãy thử bắt đầu mỗi ngày bằng sự xác tín rằng, Thiên Chúa cũng nói với bạn câu nói đó.

Ngày 20.01.19. Chúa nhật 2 thường niên. (Gioan 2,1-11): Thánh Gioan tường thuật về phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu tại tiệc cưới Cana. Nếu chúng ta cũng nghe theo lời khuyên của Đức Mẹ: “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo”, thì cuộc sống tẻ nhạt, vô ý nghĩa của chúng ta (mà biểu tượng ở đây là nước), sẽ mang hương vị mới, chất nồng mới, nước sẽ hoá thành rượu.

Ngày 27.01.19. Chúa nhật 3 thường niên. (Luca 1,1-4; 4.14-21): Giá trị sự thật của Kinh Thánh được Thánh sử Luca nêu lên trong đoạn mở đầu này. Những gì đuợc viết ra là dựa trên “bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta”, và chính ngài đã “cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự” trước khi ghi chép lại. Chúng ta hãy trân trọng và cùng nhau suy niệm những gì mà Thánh sử Luca đã để lại cho chúng ta qua Kinh Thánh của năm 2019, năm C.